Đất Thổ Canh Là Gì? Thời Hạn Sử Dụng Của Đất Thổ Canh

Thúy Linh |

Đất thổ canh là cụm từ được dùng phổ biến trong lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người chưa biết đất thổ canh là gì, thời hạn sử dụng của đất thổ canh là bao lâu. Vậy hãy theo dõi bài viết dưới đây để được giải đáp các thắc mắc về đất thổ canh nhé!

Khái niệm đất thổ canh 

Đất thổ canh là đất gì? Vốn dĩ, đất thổ canh là đất trồng trọt, đây là cách gọi cũ của người dân Việt Nam. Hiện nay, đất thổ canh đã được thay thế bằng tên mới là đất nông nghiệp. Đây là loại đất được sử dụng với các mục đích như: trồng rau, trồng lúa, trồng cây lâu năm…

Luật Đất đai 2013, định nghĩa đất nông nghiệp là đất được giao cho người dân để phục vụ nhu cầu sản xuất, thí nghiệm hay nghiên cứu về lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, làm muối hay bảo vệ và phát triển rừng. Đất nông nghiệp vừa là tư liệu lao động vừa là tư liệu sản xuất. Là đối tượng lao động và không thể thay thế được trong ngành nông - lâm nghiệp vì nó có vai trò quan trọng trong mọi quá trình sản xuất. 

Tuy nhiên, còn rất nhiều người nhầm lẫn đất thổ canh là đất phi nông nghiệp. Do đó, chúng ta cần phân biệt 2 loại đất này để tránh bị mua nhầm và sử dụng sai quy định. Dựa theo Điều 13, Luật đất đai 2013:

  • Đất thổ canh (đất nông nghiệp): Là đất dùng để phục vụ người dùng để sản xuất nông nghiệp: canh tác, trồng trọt, chăn nuôi thủy hải sản, làm muối…

  • Đất phi nông nghiệp: Là đất chuyên dùng để xây nhà ở, các công trình, kiến trúc tôn giáo…hoặc các công trình an ninh quốc phòng, công trình công cộng.

Khái niệm đất thổ canh
Khái niệm đất thổ canh

Đất thổ canh có thời hạn sử dụng bao nhiêu năm?

Khi mua bán đất thổ canh, chúng ta cần lưu ý thời hạn sử dụng của đất thổ canh là bao nhiêu năm.Bởi đất thổ canh là đất nông nghiệp, cụ thể hơn là đất trồng trọt nên có thời hạn sử dụng.

Thời hạn sử dụng 50 năm

Dựa vào khoản 1 Điều 126 Luật Đất đai 2013, hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được Nhà nước giao đất, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp thuộc những trường hợp sau đây sẽ có thời hạn sử dụng đất là 50 năm:

  • Đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối

  • Đất trồng cây lâu năm

  • Đất rừng sản xuất

  • Giao nhiều loại đất gồm đất trồng cây lâu năm, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản

  • Đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước thuộc nhóm đất chưa sử dụng

Khi hết thời hạn, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nếu có nhu cầu sẽ được tiếp tục sử dụng đất với thời hạn là 50 năm.

Thời hạn sử dụng không vượt quá 50 năm

Thời hạn Nhà nước giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng thủy sản, tổ chức để thực hiện các dự án đầu tư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện các dự án đầu tư tại Việt Nam được xem xét, quyết định trên cơ sở dự án đầu tư đó hoặc đơn xin giao đất, thuê đất nhưng không quá 50 năm.

Đối với các dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm, dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn mà cần thời hạn dài hơn thì thời hạn Nhà nước giao đất, cho thuê đất sẽ không quá 70 năm.

Khi hết thời hạn thuê, người sử dụng đất có thể gia hạn để Nhà nước xem xét tiếp tục cho thuê (nhưng không chắc chắn 100%).

Đất thổ canh có thời hạn sử dụng bao nhiêu năm
Đất thổ canh có thời hạn sử dụng bao nhiêu năm

Thủ tục chuyển đổi đất thổ canh lên đất thổ cư đầy đủ chi tiết

Dựa vào Điều 69 Nghị định 43/2014/NĐ-CP và Quyết định 2555/QĐ-BTNMT, thủ tục chuyển đổi đất thổ canh lên thổ cư sẽ được thực hiện như sau:

  • Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Hồ sơ gồm: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp của chính mảnh đất đó, đơn xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Bên cạnh đó, bạn cần mang các giấy tờ tùy thân như chứng minh nhân dân hay thẻ căn cước công dân … 

  • Bước 2: Nộp hồ sơ

Hồ sơ sẽ được nộp ở phòng Tài nguyên & Môi trường, bộ phận tiếp nhận sẽ xem xét và đánh giá thông tin. Trong khoảng 3 ngày, người nộp hồ sơ sẽ được cơ quan tiếp nhận gửi thông báo, có thể sẽ sửa chữa hoặc bổ sung hồ sơ hoàn chỉnh theo quy định nếu như có sai sót.

  • Bước 3: Xử lý và tiến hành giải quyết hồ sơ

Phòng Tài nguyên & Môi trường sẽ thẩm tra hồ sơ, thẩm định lại nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Người sử dụng đất sẽ được hướng dẫn các bước thực hiện nghĩa vụ hành chính theo quy định của pháp luật.

  • Bước 4: Trả kết quả

Khoảng 15 ngày, phòng Tài nguyên & Môi trường sẽ trao quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất cho các các nhân hoặc hộ gia đình có nhu cầu sau khi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính. Đối với các khu vực vùng sâu, vùng xa, hải đảo, biên giới và miền núi…thời gian trả kết quả sẽ trong 25 ngày.

Thủ tục chuyển đổi đất thổ canh lên thổ cư
Thủ tục chuyển đổi đất thổ canh lên thổ cư

Chi phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất hiện nay là bao nhiêu?

Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 45/2014/NĐ-CP, người dân sẽ mất phí chuyển đổi đất thổ canh sang thổ cư

Mức thu 50% tiền chênh lệch

Áp dụng trong trường hợp: 

  • Chuyển đổi từ đất vườn, ao trong cùng mảnh đất có nhà thuộc khu dân cư không được xem là đất ở theo quy định tại Khoản 6 Điều 103 Luật Đất đai 2013 sang làm đất ở.

  • Chuyển mục đích sử dụng đất từ đất vườn, ao gắn liền với nhà ở nhưng người sử dụng đất đã tách ra để chuyển đổi quyền sử dụng đất hoặc do người đo đạc khi vẽ bản đồ địa chính trước ngày 1/7/2004 tự do và tách thành nhiều thửa riêng sang đất ở.

Phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất sẽ được tính như sau:

Phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất = 50% x(phí sử dụng đất tính theo giá đất ở - phí sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp)

Mức thu 100% tiền chênh lệch

Áp dụng trong trường hợp:

  • Chuyển từ đất thổ canh/ đất nông nghiệp được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất sang đất thổ cư/đất ở.

Phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất sẽ được tính như sau:

Phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất = phí sử dụng đất tính theo giá đất ở - phí sử dụng đất tính theo đất nông nghiệp

Các loại phí khác

Ngoài phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì còn mất thêm các loại phí như sau: 

  • Phí cấp Giấy chứng nhận: phí cấp sổ đỏ năm trong thẩm quyền HĐND cấp tỉnh (do HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ra quy định). Vì thế, lệ phí này tại từng tỉnh, thành phố là khác nhau.

  • Lệ phí trước bạ = 0.5% x Giá đất tại bảng giá đất x Diện tích

Để biết lệ phí trước bạ là bao nhiêu, bạn phải biết giá đất chi tiết được cập nhật tại bảng giá đất của địa phương và diện tích của chính mảnh đất được đề nghị cấp sổ đỏ, cụ thể là:

  • Tra cứu giá cả đất đai tại bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành

  • Biết rõ thông tin diện tích thực tế đề nghị cấp sổ đỏ

  • Chi phí thẩm định hồ sơ

Chi phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất
Chi phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất

Một số điều cần lưu ý khi mua đất thổ canh hiện nay

Tìm hiểu thông tin quy hoạch đất

Khi mua đất thổ canh, bạn cần tìm hiểu kỹ để tránh mua phải đất nằm trong diện quy hoạch. Thông tin đáng tin cậy nhất là từ các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước. 

Giao dịch mua bán đất có cơ quan thẩm quyền chứng kiến

Theo khoản 3 Điều 167 Luật đất đai 2013 quy định, bên mua và bên bán phải lập hợp đồng mua bán, tiếp đó đến cơ quan có thẩm quyền thực hiện công chứng bản hợp đồng. Nếu giao dịch mua bán không tuân thủ quy lập hợp đồng thì giao dịch đó sẽ không được pháp luật công nhận, quyền và nghĩa vụ của 2 bên sẽ không được đảm bảo.

Chi phí của việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất

Trước khi mua đất, bạn hãy tham khảo và thương lượng để được mua với mức giá hợp lý nhất. Bạn cần nắm rõ mức chi phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất thổ canh sang các loại đất khác.

Để tiết kiệm chi phí, bạn không nên chuyển đổi toàn bộ diện tích đất thổ canh thành đất thổ cư nếu như không sử dụng đến.

Có được phép xây nhà trên đất thổ canh?

Đất thổ canh có được xây nhà không? Đây là thắc mắc của nhiều cá nhân và hộ gia đình khi có ý định mua đất thổ canh. 

Theo Điều 12 Luật Đất đai 2013 nghiêm cấm sử dụng đất thổ canh vào các mục đích không đúng theo quy định. Theo khoản 1 Điều 6 - khoản 1 Điều 170 Luật Đất đai 2013, người sử dụng đất thổ canh có nghĩa vụ sử dụng đất như sau:

  • Đúng kế hoạch và đúng quy hoạch sử dụng đất

  • Đúng với mục đích sử dụng đất, đúng ranh giới của thửa đất

  • Sử dụng đúng theo quy định về độ sâu trong lòng đất, chiều cao trên không, bảo vệ công trình công cộng trong lòng đất, đồng thời tuân theo những quy định khác của pháp luật.

Đối với đất thổ canh, bạn chỉ được xây dựng các công trình phục vụ cho những hoạt động nông nghiệp gồm:

  • Xây nhà kính, một số loại nhà khác dùng cho phục vụ canh tác nông nghiệp, gồm hình thức canh tác nông nghiệp không trực tiếp diễn ra trên mặt đất.

  • Xây dựng chuồng, trại nuôi gia cầm, gia súc và một số động vật khác có trong quy định của pháp luật.

Những điều cần lưu ý khi mua đất thổ canh
Những điều cần lưu ý khi mua đất thổ canh

Bài viết trên đã giải đáp cho bạn các thắc mắc đất thổ canh là gì, thủ tục chuyển từ đất thổ canh sang đất thổ cư và những điều cần lưu ý khi mua đất thổ canh. Mong rằng với những thông tin trên đã giúp cho bạn có thêm nhiều thông tin hữu ích. Hãy theo dõi website batdongsanonline.vn để cập nhật thêm nhiều thông tin khác nhé!

* Thông tin bài viết chỉ mang tính tổng hợp và tham khảo tại thời điểm chia sẻ, không phải ý kiến chuyên gia. Mặc dù chúng tôi đã cố gắng đảm bảo rằng thông tin trong bài viết này là chính xác và đáng tin cậy khi được đăng tải, nhưng chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng không nên dựa vào thông tin trong bài viết này để đưa ra quyết định về tài chính, đầu tư, bất động sản hoặc vấn đề pháp lý. Chúng tôi không chịu trách nhiệm cho bất kỳ quyết định nào dựa trên thông tin trong bài viết này.

Bất động sản nổi bật