Quy Định Về Án Phí Tranh Chấp Đất Đai Mới Nhất Năm 2024

Thúy Nga |

Án phí tranh chấp đất đai là khoản phí bắt buộc phải nộp khi xảy ra tranh chấp đất đai giữa 2 hoặc nhiều bên và khởi kiện ra toà. Tuỳ vào giá trị của mảnh đất và đối tượng cụ thể mà mức án phí sẽ có sự khác biệt. Đối tượng nộp án phí, cách tính, mức án phí cụ thể sẽ được giải đáp chi tiết trong bài viết dưới đây.

Án phí tranh chấp đất đai được quy định như thế nào?

Thời điểm phải nộp án phí tranh chấp đất đai

Đương sự (là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) khi có yêu cầu xét xử một vụ án tranh chấp đất đai do Tòa án có thẩm quyền giải quyết thì đương sự phải nộp một khoản chi phí vào ngân sách nhà nước. Mức án phí này sẽ tùy thuộc vào cấp xét xử (sơ thẩm hay phúc thẩm) và tuỳ theo vụ việc tranh chấp cụ thể.

Khi bắt đầu khởi kiện giải quyết tranh chấp đất đai, người nộp đơn khởi kiện là người phải đóng tạm ứng án phí tranh chấp đất đai. Sau đó Toà án mới tiến hành thụ lý vụ án và xử theo quy định. Nếu người nộp đơn thuộc diện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì không phải nộp án phí cho Toà.

Án phí tranh chấp đất đai là khoản phí bắt buộc phải nộp khi có kiện tụng
Án phí tranh chấp đất đai là khoản phí bắt buộc phải nộp khi có kiện tụng (Nguồn: Tổng hợp)

Đối tượng phải chịu án phí

Về đối tượng phải chịu án phí tranh chấp đất đai đã được quy định rõ tại Điều 147, 148 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 và khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14. Cụ thể như sau:

  • Đương sự phải chịu án phí sơ thẩm vụ án tranh chấp đất đai nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí sơ thẩm.
  • Tòa án sẽ tiến hành hòa giải trước khi mở phiên toà. Trường hợp các bên thỏa thuận được với nhau về tranh chấp đất đai thì phải chịu 50% mức án phí sơ thẩm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 147 của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
  • Nếu có đương sự được miễn án phí sơ thẩm thì những đương sự khác vẫn phải hoàn thành án phí theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 147 của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
  • Nếu vụ án tạm dừng giải quyết thì án phí sơ thẩm được quyết định khi vụ án tiếp tục được giải quyết.
  • Trường hợp đương sự kháng cáo thì phải chịu thêm án phí phúc thẩm, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí phúc thẩm.
  • Kháng cáo thành công và sửa bản án thì đương sự kháng cáo không phải chịu thêm án phí phúc thẩm. Toà án cấp phúc thẩm có trách nhiệm xác định lại nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm theo quy định tại Điều 147 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
  • Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm thì đương sự kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm; nghĩa vụ chịu án phí được xác định lại khi giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

Cách xác định án phí cụ thể trong tranh chấp đất đai

Án phí phải nộp không cố định mà tuỳ thuộc vào giá trị tài sản hoặc quyền sở hữu
Án phí phải nộp không cố định mà tuỳ thuộc vào giá trị tài sản hoặc quyền sở hữu (Nguồn: Tổng hợp)

Mức án phí tranh chấp đất đai phải nộp được quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, áp dụng cho tranh chấp về quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về quyền sử dụng đất như sau:

  • Tranh chấp quyền sở hữu tài sản và quyền sử dụng đất mà toà chỉ xem xét quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về quyền sử dụng đất mà không xem xét đến giá trị thì đương sự phải chịu mức án phí là 300.000 đồng (với vụ án không có giá ngạch).
  • Ngược lại, nếu tranh chấp quyền sở hữu tài sản và quyền sử dụng đất mà Toà xác định giá trị của tài sản hoặc xác định quyền sở hữu quyền sử dụng đất theo phần thì đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như trường hợp vụ án có giá ngạch đối với phần giá trị mà mình được hưởng.

Quy định về mức án phí tranh chấp đất đai phải nộp

Mức tạm ứng án phí và án phí sơ thẩm cho các vụ án có giá ngạch được quy định tại Điều 7 và Danh mục án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14. Cụ thể:

TT

Giá trị tài sản tranh chấp

Mức án phí

Tạm ứng án phí

Án phí sơ thẩm

1

Từ 06 triệu đồng trở xuống

300.000 đồng

 

2

Từ trên 06 – 400 triệu đồng

5% giá trị tài sản có tranh chấp.

Bằng 50% mức án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch mà Tòa án dự tính theo giá trị tài sản có tranh chấp do đương sự yêu cầu giải quyết nhưng tối thiểu không thấp hơn mức án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự không có giá ngạch.

3

Từ trên 400 – 800 triệu đồng

20 triệu đồng + 4% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400 triệu đồng.

4

Từ trên 800 triệu đồng – 02 tỷ đồng

36 triệu đồng + 3% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 800 triệu đồng.

5

Từ trên 02 – 04 tỷ đồng

72 triệu đồng + 2% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 02 tỷ đồng.

6

Từ trên 04 tỷ đồng

112 triệu đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 04 tỷ đồng.

Án phí phúc thẩm

300.000 đồng

300.000 đồng

Những trường hợp nào được miễn án phí tranh chấp đất đai

Trẻ dưới 16 tuổi được miễn án phí tranh chấp đất đai
Trẻ dưới 16 tuổi được miễn án phí tranh chấp đất đai (Nguồn: Tổng hợp)

Không phải ai khi tranh chấp đất đai cũng phải nộp án phí theo quy định. Điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 có quy định rõ về những đối tượng được miễn án phí tranh chấp đất đai như sau:

  • Trẻ em dưới 16 tuổi (theo Điều 1 – Luật Trẻ em số 102/2016/QH13);
  • Cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo theo quyết định số 59/2015/QĐ-TTG
  • Người cao tuổi là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên, không còn khả năng lao động (theo Điều 2 – Luật Người cao tuổi số 39/2009/QH12);
  • Người khuyết tật;
  • Người có công với cách mạng theo khoản 1 Điều 2 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng được sửa đổi bổ sung số 04/2012/UBTVQH13;
  • Đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã, các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn;
  • Thân nhân liệt sĩ được cơ quan Nhà nước cấp giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ.

Thủ tục giải quyết án tranh chấp đất đai

Các vụ tranh chấp đất đai sẽ được thực hiện thủ tục hoà giải trước theo quy định tại Điều 202 Luật Đất đai 2013 về Hòa giải tranh chấp đất đai. Người chủ trì là Chủ tịch UBND cấp xã; các bên có liên quan phối hợp hoà giải là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thời gian hoà giải không quá 45 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.

Nếu việc hòa giải không thành công thì sẽ có 2 trường hợp xảy ra như sau:

  • Đối với tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;

  • Đối với tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013 thì chọn 1 trong 2 hình thức giải quyết sau:

Hình thức 1: Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp lên Ủy ban nhân dân có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều 203 Luật Đất đai 2013. Hướng giải quyết như sau:

  • Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý có quyền khiếu nại lên chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Toà án.

  • Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết. Trường hợp không đồng ý có thể khiếu nại lên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án.

Người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai tại theo hình thức này phải ra quyết định giải quyết tranh chấp. Các bên phải nghiêm chỉnh chấp hành khi quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực, nếu không sẽ bị cưỡng chế thi hành.

Tranh chấp đất đai có thể hoà giải hoặc ra Toà giải quyết
Tranh chấp đất đai có thể hoà giải hoặc ra Toà giải quyết (Nguồn: Tổng hợp)

Hình thức 2: Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự; các bước thực hiện như sau:

Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện

Bộ hồ sơ khởi kiện phải có đủ các loại giấy tờ sau:

  • Đơn khởi kiện theo mẫu số 23-DS (ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP).
  • Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc một trong các loại giấy tờ theo quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013.
  • Biên bản hòa giải có chứng nhận của Ủy ban nhân dân xã và có chữ ký của các bên tranh chấp.
  • Một trong các loại giấy tờ: căn cước công dân/chứng minh thư/sổ hộ khẩu
  • Các giấy tờ chứng minh khác theo quy định của luật tố tụng.

Bước 2. Nộp hồ sơ khởi kiện

Người khởi kiện sau khi chuẩn bị đầy đủ giấy tờ tiến hành nộp hồ sơ khởi kiện đến Toà án nhân dân cấp huyện - nơi có đất đang tranh chấp. Có thể đến nộp trực tiếp tại tòa, gửi chuyển phát nhanh hoặc gửi trực tuyến qu cổng thông tin điện tử Tòa án (nếu có)

Bước 3. Tòa thụ lý và giải quyết

Sau khi nhận được hồ sơ tòa án tiến hành kiểm tra. Trường hợp hồ chưa hợp lệ người gửi sẽ được thông báo để bổ sung. Nếu hồ sơ đã đủ giấy tờ:

  • Tòa thông báo nộp tạm ứng án phí.
  • Người khởi kiện nộp tạm ứng án phí tại cơ quan thuế theo giấy báo tạm ứng án phí và mang biên lai nộp lại cho Tòa để tòa thụ lý.

Thời gian chuẩn bị xét xử được tính trong vòng 4 tháng, với những vụ án có tính chất phức tạp được gia hạn thêm nhưng không quá 2 tháng. Thời gian này Toà sẽ tổ chức hoà giải tại Toà. Nếu các bên không chấp nhận hoà giải thì tiến hành xét xử sơ thẩm.

Sau khi bản án sơ thẩm được thành lập, các bên tranh chấp được quyền kháng cáo nếu không đồng ý với bản cáo trạng. Đồng thời phải đưa ra được căn cứ chứng minh cụ thể.

Án phí tranh chấp đất đai và thủ tục khởi kiện tranh chấp đất đai ra toà đã được Batdongsanonline.vn cập nhật chi tiết trong bài viết trên đây. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo, để chắc chắn hơn quý khách nên nhờ đến sự tư vấn của đội ngũ luật sư chuyên nghiệp để đảm bảo thực hiện trình tự đúng luật và nhanh chóng nhất.

* Thông tin bài viết chỉ mang tính tổng hợp và tham khảo tại thời điểm chia sẻ, không phải ý kiến chuyên gia. Mặc dù chúng tôi đã cố gắng đảm bảo rằng thông tin trong bài viết này là chính xác và đáng tin cậy khi được đăng tải, nhưng chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng không nên dựa vào thông tin trong bài viết này để đưa ra quyết định về tài chính, đầu tư, bất động sản hoặc vấn đề pháp lý. Chúng tôi không chịu trách nhiệm cho bất kỳ quyết định nào dựa trên thông tin trong bài viết này.